Phân tích việc học của bản thân
Hôm nay mình ngồi ngẫm lại thử việc học của mình và so sánh nó thử mình đã học được những gì. Có thể nói ngày xưa mình thuộc diện điểm cao trong lớp. Không phải nói ở đây để tự hào mà để xem lại mình đã học được những gì và việc đánh giá điểm đó có phản ánh được gì không?
Mỗi ngày em lên lớp được cô giáo giảng bài, em ghi chép. Sau đó em về nhà học thuộc bài, hôm sau em lên trả bài (cô giáo kiểm tra bài cũ mỗi ngày). Nếu phân tích theo mô hình của Bloom thì em mới chỉ có thực hiện được một bước đầu tiên, đó chính là ghi nhớ, bước đầu tiên trong các bậc thang của việc học. Bậc thang thấp nhất trong những bậc thang của việc học.
Xin nhắc lại các bước phát triển của quá trình học:
Bước 1: Ghi nhớ nội dụng, sự kiện; nhưng chưa chắc đã hiểu. Ví dụ vào đầu năm lớp 10 em học triết học với hai khái hiệm: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy tâm siêu hình. Cho đến giờ em cũng chưa hiểu được 2 khái nhiệm này một cách cụ thể thế nào, mặc dù em thuộc lòng nó. Đến giờ kiểm tra, em đọc một lèo, cô giáo cho em điểm 9, và đánh giá em thuộc bài.
Bước 2: hiểu được nội dung có ý nghĩa như thế nào bằng cách giải thích nó. Xin nói thêm rằng, ở mình, tình trạng đạo văn diễn ra vì học sinh không biết cách diễn đạt lại nội dung mình muốn nói. Vì cách dạy theo kiểu học thuộc nên câu từ của cô giáo thành câu từ của học sinh nên khi yêu cầu học sinh đưa ra ý kiến khác, là các bạn đó hầu như không biết nói gì. Bản thân mình là một ví dụ điển hình.
Bước 3: Áp dụng nội dung thông tin đó trong các tình huống khác nhau. Cái này thì hầu như không có. Bước này có thể thấy là mình biết cách vận dụng vào làm bài tập sơ sơ.
Bước 4: Phân tích – phân tích khái niệm đó với các khái niệm gần nó để so sánh, cho thấy sự khác biệt, giống nhau. Hầu như bản thân mình khi học rất ít phân tích, rất ít so sánh, rất ít khi đặt câu hỏi ngược lại cho giáo viên vì sao nó dẫn đến điều này, vì sao lại như thế.
Bước 5: Đánh giá và đưa ra quyết định. Sau khi phân tích, bước tiếp theo là phải quyết định xem thử quyết định đó đúng hay là sai, quyết định có đó hợp lý không. Cái này thì hầu như không có trong quá trình học tập của bản thân mình. Cô giáo cũng không chỉ cách quyết định như thế nào là đúng, là phù hợp hết.
Bước 6: Sáng tạo – Đưa ra những ý tưởng mới, những cái mới. Bản thân mình chắc chẳng có gì gọi là sáng tạo trong quá trình học ở phổ thông.
Đến kì thi, cô giáo nhắc các bạn về nhà ôn mấy bài trong sách đó. Sau đó cô giáo cho câu hỏi giống với những nội dung cô giáo cho các bạn chép. Kết quả, em là người ghi nhớ khá nên em nhớ hết những gì cô giáo nói, và em luôn được điểm cao trong các kì thi.
Qua phân tích như trên cho thấy quá trình dạy và học ở phổ thông thời mình học (những năm 2000) chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhớ, hiểu là chủ yếu. Việc đánh giá cũng ở mức độ đó mà thôi. Do đó bạn nào được xếp loại giỏi, nó chỉ có thấy bạn ghi nhớ giỏi, chứ không phải bạn là người sáng tạo. Việc xếp loại giỏi đó, không có ý nghĩa gì khác ngoài việc nó cho biết thông tin là bạn ghi nhớ giỏi.
Bây giờ mình trở thành giáo viên rồi mình mới thấy mấy đứa học giỏi ở mình (gọi là học giỏi thôi), chứ thật ra, các bạn đấy chỉ ghi nhớ giỏi thôi. Là một giáo viên mình hay nói đùa, bọn học giỏi đó rất giống gà công nghiệp, vì giáo viên đâu có khuyến khích chúng sáng tạo, lập luận, tranh luận đâu.
Nhưng cuộc sống đâu phải chỉ có ghi nhớ, cuộc sống cần nhiều thứ hơn là ghi nhớ. Cuộc sống cần các bạn phân tích, so sánh, quyết định cho riêng bản thân mình, hay sáng tạo một cái gì đó. Giờ thì mình thấy điều đó rất cần thiết đối với bản thân mình, chứ không phải mấy cái ghi nhớ kia, nhưng mình có được học gì về nó đâu.
Bây giờ tình hình dạy và học có khác xưa nhiều không các bạn?
Nhưng mình vẫn thấy nhiều bạn đến lớp 12 rồi, cũng không biết mình thích cái gì, mình cần học cái gì. Cái này cũng không thể trách các bạn được, mà cái cần trách chính là cách dạy và học.