Loạn ngôn ngữ là gì?
Một số phụ huynh cho con em mình học tiếng Anh lúc các bé chưa nói được tiếng Việt. Kết quả là bé về nhà nói tiếng Anh mà không nói tiếng Việt. Kết quả là một số phụ huynh lo lắng con mình bị loạn ngôn ngữ và không dám cho học nữa.
Để nói về việc loạn ngôn ngữ, mình xin chia sẻ một số định nghĩa sau đây, trước khi nói về việc loạn ngôn ngữ.
- Tiếng mẹ đẻ là gì? Trước khi mình sang New Zealand, nếu ai hỏi mình câu này, mình cho là buồn cười, vì ai chả biết tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt. Kể cả tuần đầu tiên khi lên seminar với các giáo sư nước ngoài, mình ngạc nhiên khi bà giáo sư nói câu hỏi về tiếng mẹ để là câu hỏi khó, không thể trả lời được. Bà đưa ra ví dụ như sau: nếu một đứa trẻ có bố là người Việt Nam, mẹ là người Nhật, sinh ra và lớn lên ở New Zealand. Mỗi ngày bé nói tiếng Việt với bố, nói tiếng Nhật với mẹ và đến trường nói tiếng Anh với người New Zealand. Vậy tiếng mẹ đẻ là gì? Có tiếng bố đẻ không? Hay chỉ có tiếng mẹ đẻ. Nghe xong câu chuyện này mình thấy rối lên rồi. Có cái câu hỏi mình cho là dễ ẹt, giờ hóa ra không trả lời được.
- Nếu định nghĩa tiếng mẹ đẻ chính là tiếng của người mẹ sinh ra và nuôi bé lớn lên, hay còn gọi là ngôn ngữ đầu tiên. Mình sẽ đưa ra một số tình huống để mọi người hiểu hơn về tiếng mẹ đẻ.
– Một đứa nhỏ sinh ra ở Việt Nam. Nói tiếng Việt kha khá, khi dẫn sang New Zealand lúc nó còn 4 tuổi chẳng hạn. Nó đi học bên New Zealand, nó sẽ tiếp thu ngôn ngữ bên đó. Nó về nhà nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt. Vậy tiếng mẹ để của nó là gì? Ở đây ta có thể định nghĩa tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Trong trường hợp này đứa bé đó nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt. Nghĩa là ngôn ngữ thứ 2 tốt hơn tiếng mẹ để. Tiếng mẹ đẻ không nhất thiết phải giỏi hơn ngôn ngữ thứ 2.
– Nếu một đứa trẻ có tiếp xúc nhiều hơn với một ngôn ngữ nào đó, đứa trẻ đó sẽ giỏi ngôn ngữ đó hơn. Có thể tùy thời điểm trong cuộc đời. Ví dụ như một đứa trẻ được cho học trường quốc tế ngay từ nhỏ, lúc nhỏ đứa trẻ đó sẽ giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt. Tuy nhiên mai mốt lớn lên, đứa trẻ đó tiếp xúc với tiếng Việt nhiều hơn, đứa trẻ đó sẽ giỏi tiếng Việt hơn tiếng Anh.
Do đó không lo lắng lắm khi đứa trẻ đột nhiên nói tiếng Anh mà không sử dụng tiếng Việt. Nếu trẻ tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn, trẻ sẽ nói tiếng Anh nhiều hơn, lúc đó trẻ sẽ giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt và ngược lại. Không nên sợ việc loạn ngôn ngữ.
- Trên thế giới hiện nay các nước đang khuyến khích nuôi dạy trẻ song ngữ. Do đó quí phụ huynh yên tâm khi cho con học song ngữ. Chỉ sợ học phí các trường quốc tế cao quá, không đủ thu nhập để cho con học mà thôi. Nếu không có tiền cho con học quốc tế cao sang, thì hãy cho trẻ nghe nhạc, xem phim, chơi trò chơi bằng tiếng Anh. Đó cũng là cách tăng cường sự tiếp xúc của trẻ đối với ngôn ngữ (language input).
Lưu ý: trẻ song ngữ sẽ học không giỏi ngôn ngữ bằng trẻ đơn ngữ. Ví dụ trẻ học cả tiếng Anh và tiếng Việt cùng 1 lúc, thì sẽ không giỏi tiếng Việt bằng những đứa trẻ chỉ học đơn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên về lâu dài, trẻ sẽ có khả năng học ngôn ngữ tốt hơn đứa trẻ học đơn ngữ.