Lý thuyết về việc học ngôn ngữ
Mình không phải chê một số thầy cô xưng danh thầy A chuyên luyện TOEIC hay cô B chuyên luyện IELTS, rồi cho nhưng chiến thuật làm bài này, làm bài nọ hay một số giáo viên chuyên ngành khác sang dạy tiếng Anh. Nhưng mình nghĩ một giáo viên chuyên nghiệp nên học chứng chỉ sư phạm để đi dạy cho tốt hơn. Mình chỉ đưa ra một ví dụ để mọi người tưởng tượng. Ví dụ một bác sĩ không được đào tạo một cách bài bản, nhưng không có chứng chỉ hành nghề. Bác sĩ ấy xưng danh bác sĩ vì bác sĩ ấy bảo là em đã học cách làm bác sĩ thông qua việc đi nhìn bác sĩ khác làm. Giờ em sẽ làm theo bác sĩ khác đó, nhưng không hiểu bản chất là gì. Thử hỏi bác sĩ đó có biết tường tận về bản chất của việc mình làm không? Có lý giải được việc mình làm như vậy có đúng hay không? Lỡ xảy ra rủi ro trong quá trình kê toa cho bệnh nhân thì ai chịu trách nhiệm? Lỡ bác sĩ ấy gây ra chết người, ai sẽ chịu trách nhiệm. Cũng xin nói thêm rằng, có rất nhiều thầy cô nói mình dạy theo phương pháp giao tiếp, nhưng thật ra họ không dạy theo phương pháp giao tiếp và họ hiểu về phương pháp giao tiếp cũng không hoàn toàn đúng và đầy đủ.
Trở lại với việc dạy ngoại ngữ, các bạn học viên cũng nên đăng kí những chỗ mà giáo viên được đào tạo một cách bài bản. Vì nguy cơ rủi ro sẽ cao hơn nếu đăng kí ở chỗ những giáo viên không trải qua trường lớp sư phạm. Đó chính là lý do vì sao ở Úc hay New Zealand, giáo viên tiếng Anh phải có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh. Nếu không có chứng chỉ, giáo viên không bao giờ được đi dạy, mặc dù một số người có lẽ dạy rất tốt.
Có một số đồng nghiệp bảo là do nhu cầu của thị trường thì để ra những giáo viên như thế. Mình xin nói thêm rằng, hiện nay do cơ quan quản lý chưa thể quản lý hết chất lượng nên các bạn nên chọn một cách cẩn thận để học vì nếu mình chọn sai lầm, tiền sẽ mất, còn kiến thức sẽ không có.
Hôm nay mình trình bày 3 lý thuyết cơ bản trong việc học và dạy ngoại ngữ để các bạn nào chưa nắm vững, có thể đọc lại và hiểu một cách rõ ràng hơn.
Lý thuyết thứ nhất: Language input (Krashen, 1985) của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Mĩ – lý thuyết này cho rằng bạn học ngôn ngữ thông qua quá trình tiếp xúc với ngôn ngữ. Bạn có thể tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua nghe hoặc đọc hiểu. Trẻ con tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua nghe bố mẹ, người chăm sóc. Còn bạn có thể xem phim, nghe nhạc, xem báo chí bằng tiếng Anh. Nhưng với điều kiện ngôn ngữ bạn tiếp xúc đó phải hơn trình độ của bạn một chút – chỉ một chút thôi, chứ nó quá khó, bạn cũng không học hỏi được gì hoặc nó quá dễ so với trình độ của bạn, thì bạn cũng không cải thiện được kĩ năng tiếng Anh của mình. Vậy thì mọi người có thể học tiếng Anh bằng cách tự học một cách dễ dàng. Mình có đọc và trao đổi với 1 giáo sư ở Thụy Điển, các nghiên cứu ở đó cho thấy rằng, việc trẻ con xem phim bằng tiếng Anh có ảnh hưởng đến sự thành thạo tiếng Anh của người Thụy Điển. Ở đó người ta sử dụng thuật ngữ extramural English để chỉ quá trình này. Vì bài viết này ở trên Facebook, dành cho người đọc phổ thông nên mình sẽ không trình bày các tranh luận về nhược điểm của lý thuyết language input của Krashen. Ứng dụng của lý thuyết này chính là học đọc thường xuyên (extensive reading, hoặc extensive listening).
Lý thuyết thứ 2, (Long, 1996) chính là lý thuyết về sự tương tác. Việc học ngôn ngữ cần có sự tương tác (interaction theory). Việc tương tác với người khác, bạn bè, thầy cô sẽ giúp cho bạn hiểu sâu hơn, hiểu rõ hơn cấu trúc bạn đang học và sử dụng nó trong tình huống. Việc tương tác với giáo viên sẽ giúp cho bạn nhận ra lỗi sai của mình. Giáo viên sẽ giúp bạn nhận dạng được lỗi sai một cách nhanh chóng và bạn có thể sửa. Còn tương tác như thế nào là một câu chuyện khác.
Lý thuyết thứ 3: chính là lý thuyết về language output (Swain, 1995), nghĩa là bạn phải viết ra hoặc nói ra. Khi là bạn nói ra, viết ra, bạn sẽ để ý (noticing theory) những gì bạn chưa nhớ và bạn sẽ cố gắng nhớ cái đó. Việc này giúp bạn để ý lại điều mà mình đã đọc hoặc nghe một cách rõ ràng hơn.
Hôm vừa rồi mình thấy có một bạn hỏi mình em có nên học tiếng Anh một mình và tự học được hay không? Câu trả lời của mình là có thể nhưng tốn thời gian rất nhiều. Vì bạn chỉ có một mình nên phần interaction của bạn rất khó để thực hiện hoặc không ai có thể nói cho bạn lỗi sai ở chỗ nào. Một khi bạn chỉ đọc và nghe, bạn sẽ không để ý đến một số đặc điểm ngôn ngữ.
Krashen, S. (1985). *The input hypothesis: Issues and implications*. Boston: Addison-Wesley Longman Ltd.
Long, M. H. (1996). The role of the linguistic environment in second language acquisition. In W. Ritchie & T. Bhatia (Eds.), *Handbook of second language acquisition *(pp. 413-468). San Diego: Academic Press.
Swain, M. (1995). Three functions of output in second language learning. In G. Cook & B. Seidlhofer (Eds.), *Principles and practice in applied linguistics *(pp. 125-144). Oxford: Oxford University Press.